tin tức hoạt động
Ngày: 06/09/2018 | 10:38
Tuyên dương, động viên học sinh đỗ thủ khoa và á khoa khi thi đầu vào trường của chúng ta.
Ngày: 23/08/2015 | 11:08
Anh Phan Đình Thư tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội khóa II nhiệm kỳ 2015 - 2020.
fanpage - facebook
Chi tiết tin tức
Xây dựng công trình tượng đài Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.
Đăng lúc: 31-10-2014 12:45:53 AM - Đã xem: 3731
TƯỢNG ĐÀI LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN MẠC ĐĨNH CHI – NỖI TRĂN TRỞ 30 NĂM CỦA MỘT NGÔI TRƯỜNG MANG TÊN DANH NHÂN
Cách đây vừa tròn 30 năm, kể từ năm học 1982 – 1983, trường cấp III Hợp Tiến (thành lập 1979) được đổi tên và vinh dự mang tên Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Đó là niềm tự hào của các thế hệ thầy và trò nhà trường trong mấy chục năm qua.
Đối với dân tộc Việt Nam, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi không những là danh nhân văn hoá lớn mà còn là nhà ngoại giao kiệt xuất đời Trần. Tên tuổi của ông không chỉ giới hạn ở phạm vi quốc gia Đại Việt mà còn nổi tiếng cả ở Trung Quốc và Triều Tiên cuối thế kỉ XII, đầu thế kỉ XIII. Chính vì tài năng xuất chúng, trí tuệ mẫn tiệp, tri thức uyên thâm, lối sống liêm khiết cho nên Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đã được nhiều trường THPT trên toàn quốc vinh dự mang tên, càng minh chứng cho tên tuổi của ông không chỉ để lại dấu ấn trong tiềm thức người Việt Nam nói chung mà còn hiện hữu trong tâm thức giáo giới và học sinh nói riêng.
Hiện nay, trường THPT Mạc Đĩnh Chi – Nam Sách - Hải Dương mặc dù còn phải tiếp tục đầu tư xây dựng, song bước đầu đã được xây dựng tương đối khang trang, sạch đẹp với nhiều dãy nhà học, nhà bộ môn kiên cố, cao tầng; cảnh quan sư phạm thoáng đãng; thương hiệu nhà trường ngày càng được khẳng định cùng bề dày truyền thống. Biết bao thế hệ học trò ra trường và thành đạt trên mọi lĩnh vực, công tác ở mọi miền tổ quốc, khi các em trở về thăm ngôi trường xưa đều phấn khởi, tự hào vì ngôi trường mình từng học bây giờ đã khang trang, bề thế. Nhưng hình như vẫn còn một khoảng lặng trong suy nghĩ của cả thày và trò bởi bao nỗi trăn trở, thao thức, vì đã 30 năm trôi qua, kể từ khi trường được vinh dự mang tên Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi nhưng lại chưa có điều kiện để xây dựng tượng đài danh nhân tại khuôn viên nhà trường. Nhưng 30 năm cũng chưa phải là thời gian quá muộn để các thế hệ thày và trò nhà trường thực hiện tâm nguyện của mình. Để đáp ứng nguyện vọng mong mỏi của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng các thế hệ học trò từng trăn trở bấy lâu nay, năm học 2012 - 2013, các ban ngành, đoàn thể lãnh đạo nhà trường đã bàn bạc, thống nhất, lên kế hoạch xây dựng tượng đài danh nhân Mạc Đĩnh Chi tại khuôn viên nhà trường.
Ngày 10 tháng 11 năm 2012, trường THPT Mạc Đĩnh Chi tổ chức Hội thảo xây dựng tượng đài Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Tham dự Hội thảo có các thầy trong Ban Giám hiệu, đại diện cho Công đoàn, Đoàn thanh niên và các Đại biểu khách mời: nguyên là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng nhà trường qua các thời kì, Thường trực Hội cha mẹ học sinh, đại diện Ban Quản lí di tích đền thờ Mạc Đĩnh Chi, đại diện Mạc tộc Hải Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Gốm Chu Đậu, và đại diện Hội cựu học sinh các khoá.
Buổi hội thảo đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các đại biểu, đặc biệt là những ý kiến đóng góp xác đáng về việc chọn địa thế phong thuỷ đặt tượng đài, dựng văn bia ghi công trạng Danh nhân và không gian phối cảnh sao cho phù hợp với tổng thể khuôn viên nhà trường. Nguồn kinh phí được huy động từ nguồn xã hội hoá giáo dục. Đó là sự phát tâm công đức của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã và đang công tác, sự ủng hộ hảo tâm của Hội cha mẹ học sinh, các tập thể, cá nhân Hội cựu học sinh các khoá trên mọi miền đất nước và một số cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn huyện Nam Sách - Hải Dương.
Ngày 15 tháng 11 năm 2012 (tức ngày mồng 2 tháng 10 – ÂL), trường THPT Mạc Đĩnh Chi đã khởi công xây dựng công trình tượng đài Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Tượng danh nhân được tạc toàn thân cao 1,6m bằng đá xanh nguyên khối tại Ninh Bình. Hướng của tượng nhìn ra Biển Đông. Phần Đài được thiết kế năm bậc, chính giữa Đài có trụ làm bệ đỡ phần tượng. Tổng diện tích phần Đài tính từ bậc thứ nhất tiếp giáp mặt đất rộng 49 m2, chính giữa bậc thứ tư đặt lư hương bằng đồng; hai bên tượng đài là Bia ghi công trạng Danh nhân và Bia ghi công đức của các tập thể, cá nhân phát tâm công đức; phía sau đắp bức phù điêu có hình hoa sen trong giếng ngọc làm nền, cao 3,5m, rộng 7,9m; xung quanh khuôn viên sẽ trồng cây lưu niệm của các Đoàn thể, cá nhân, cựu học sinh khi về thăm trường. Công trình sẽ khánh thành vào ngày 10 tháng 2 năm Quý Tị (2013). Tượng đài Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi hoàn thành vừa mang ý nghĩa văn hoá tâm linh vừa có ý nghĩa giáo dục về truyền thống đạo lí: “Uống nước nhớ nguồn”, noi gương và học tập các bậc tiền nhân của các thế hệ thày và trò trường THPT Mạc Đĩnh Chi.
Thầy Nguyễn Văn Hưng - Bí thư Đoàn TNCS HCM Trường THPT Mạc Đĩnh Chi - Nguồn: http://thpt-macdinhchi-haiduong.violet.vn/
Các bài viết khác
- Tặng hoa chúc mừng khai giảng năm học 2018-2019 (06.09.2018)
- Tuyên dương, động viên học sinh đỗ thủ khoa và á khoa khi thi đầu vào trường của chúng ta. (06.09.2018)
- Thư mời họp mặt năm 2018 (21.07.2018)
- Chúc mừng trường THPT Mạc Đĩnh Chi - Quận 6, Tp. HCM. (05.02.2018)
- Toàn văn bài phát biểu của thầy Hoàng Văn Toàn, nguyên phó HT (15.08.2017)